Sáng hôm nay ngày 5/11/2024, tại Duyệt Thị Đường, Chương trình Tọa đàm ra mắt sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” đã chính thức diễn ra. Cuốn sách là công trình nghiên cứu đầy tâm huyết, tái hiện lại cuộc đời của vua Hàm Nghi từ những năm tháng lưu vong đến hành trình trở thành một họa sĩ tại Alger.
Thông qua sự kiện đặc biệt này, độc giả và những người yêu mến lịch sử văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận sâu hơn với hình ảnh một vị Hoàng Đế không chỉ anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn có tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử hàng đầu, đại diện các tổ chức, đoàn thể, và hậu duệ của vua Hàm Nghi, cùng đông đảo các khách mời. Hi vọng chương trình sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn về di sản của vị hoàng đế tài hoa, và để lại dấu ấn đặc biệt cho tất cả những ai có mặt trong buổi sáng hôm nay:
Cập nhật diễn biến Tọa Đàm:
8h00: Công bố Thông cáo Báo chí Chương trình Tọa đàm ra mắt sách “Hàm Nghi: Hoàng Đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”
https://drive.google.com/drive/folders/1slj2moubuLYAeNddQl5rwsZCnvQgljT8
8h30: Duyệt Thị Đường đã sẵn sàng đón tiếp các đại biểu tham dự buổi Tọa Đàm ra mắt sách. Các đại biểu được tiếp đón nồng hậu trong không gian cổ kính, trang trọng.
9h15: Nghệ sĩ nghệ nhân violin Nguyễn Xuân Huy biểu diễn và tặng cây vĩ cầm sứ, một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc
9h30: Kiến trúc sư Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phát biểu khai mạc Tọa Đàm, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuốn sách và giá trị lịch sử mà nó mang lại cho văn hóa Huế và Việt Nam.
9h40: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đại diện nhóm dịch và xuất bản sách, chia sẻ về hành trình nghiên cứu dịch thuật và ý nghĩa của cuốn sách trong việc lưu giữ di sản của vua Hàm Nghi.
9h50: Tiến sĩ Amandine Dabat bắt đầu giới thiệu chi tiết về cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, Nghệ sĩ ở Alger”, làm nổi bật sự độc đáo trong cuộc sống và sáng tác nghệ thuật của vua Hàm Nghi.
10h23: Các nhà nghiên cứu và khách mời bắt đầu giao lưu, chia sẻ cảm nhận và trao đổi sâu sắc về giá trị của cuốn sách, cũng như về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi.
11h05: Các hậu duệ của vua Hàm Nghi trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Bảo tàng CVCĐ Huế) thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhiều kỷ vật quý giá của vua Hàm Nghi gồm:
- "Khay gỗ khảm xà cừ" có kích thước: Dài: 31,4 cm; Sâu:18,4cm; Cao: 10 cm;
- "Bộ sách Ngự chế canh chức đồ (2quyển) , Đan đồ huyện chí (26 quyển), Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa (5 quyển); .......
"Khay gỗ khảm xà cừ" và "Bộ sách chữ Hán" này vốn thuộc về vua Hàm Nghi. Chiếc khay là một trong những vật báu được đem từ Việt Nam mà ông luôn giữ bên mình như một kỷ vật gợi nhớ về quê hương. Bộ sách nằm trong số ít những cuốn sách còn lưu giữ mà vua Hàm Nghi đã từng đọc khi xa xứ. Những kỷ vật quý giá ấy đã được Công chúa Như Mai - Trưởng nữ của vua Hàm Nghi lưu giữ cẩn thận để tưởng nhớ vua cha.
- “Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã”, được Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của vua Hàm Nghi (giai đoạn Cần Vương 1885-1889).
- “Đôi tiềm bằng sứ”, vật dụng của gia đình vua Hàm Nghi. Đây là những hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử cao, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập di sản về vua Hàm Nghi tại Bảo tàng CVCĐ Huế.
11h10: Buổi Tọa đàm kết thúc tốt đẹp với những bức ảnh lưu niệm của toàn thể đại biểu và ban tổ chức, đánh dấu một sự kiện văn hóa thành công và ý nghĩa.